Làng nghề Sơn Đồng vào mùa tết

Nhộn nhịp ngày gần tết

Làng nghề Sơn Đồng từ hàng trăm năm nay nổi tiếng cả nước về nghề đúc tượng Phật, làm đồ thờ từ gỗ. Làng nghề vào dịp cuối năm, không khí khẩn trương tất bật hiện rõ trong mỗi hộ kinh doanh. Tiếng máy cưa, đục, đẽo vang ra khắp làng. Sản phẩm của làng nghề là các tượng thờ, câu đối, hoành phi, bàn thờ… Những sản phẩm của làng nghề có mặt ở hầu khắp các tỉnh trên cả nước từ Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Thái Nguyên đến An Giang, Vũng Tàu, TPHCM…

Làng nghề bận quanh năm, nhưng bận rộn nhất là hai thời điểm đầu năm và cuối năm. Gia đình nào muốn có đồ thờ mới để kịp tết thì cần đặt trước khoảng 3 – 4 tháng. Ông Nguyễn Duy Tỵ – một trong những nghệ nhân cao tuổi trong làng – cho biết: “Cuối năm bao giờ cũng bận rộn do nhiều gia đình muốn sắm mới các đồ thờ tự. Năm nay, việc kinh doanh của các hộ khá phát triển, các hợp đồng mua hàng chủ yếu có số lượng lớn và có sự đặt trước”.

Đến thời điểm này, Công ty Hợp Phát của gia đình ông Tỵ không nhận thêm hợp đồng. “Nếu khách đặt thì phải ra giêng, vì hợp đồng đã quá nhiều rồi”. Hộ ông Nguyễn Chí Quảng cũng bận rộn với các hợp đồng cuối năm. Xưởng của ông Quảng có 30 thợ được huy động để hoàn thiện sản phẩm kịp giao cho khách. Theo ông Quảng: “Nhu cầu về đồ thờ luôn có nên các hộ ở đây luôn có việc”.

Trăn trở dạy nghề

Dù làng nghề ngày càng phát triển nhưng cũng có nhiều khó khăn, nhiều vấn đề chưa tìm được lời giải khả thi. Khó nhất là nhân lực. Làng nghề Sơn Đồng hiện đang rất thiếu lao động. Ông Nguyễn Duy Tỵ cho biết, việc thì nhiều mà kiếm không ra người làm. Công ty Hiệp Phát của gia đình ông có quy mô lớn nhưng giờ chỉ có 3 thợ sơn, 1 thợ đục tượng, 5 thợ nét còn ngoài ra chủ yếu là thợ thuê bên ngoài hoặc khoán cho thợ ở những xưởng khác làm thuê cho mình.

“Điều này khiến chất lượng hàng không đảm bảo, không đều tay và nếu khi nhận về chưa đạt yêu cầu thì lại cần phải chỉnh sửa lại, mất thêm một khoảng thời gian nữa” – ông Tỵ cho biết. Để giải quyết bài toán lao động trong làng nghề cũng như của riêng công ty, ông Tỵ dự định sẽ tuyển các em nhỏ từ 15 tuổi vào dạy nghề từ 1.1.2011. Xưởng của gia đình sẽ là lớp học. Các em sẽ vừa học lý thuyết, vừa học thực hành trên các sản phẩm.

“Chúng tôi đang xin ý kiến để có thêm sự trợ giúp của chính quyền”, ông Tỵ cho biết. Anh Nguyễn Bỉnh Hiệp – 32 tuổi, chủ doanh nghiệp Hiệp Phát, một doanh nhân trẻ thành đạt, Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Sơn Đồng – chia sẻ: “Việc đào tạo thợ lành nghề phải thường xuyên, liên tục mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường, quan trọng là tận dụng được những kinh nghiệm quý báu của các bậc cao niên trong làng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *