Độc đáo kiến trúc chùa Việt Nam

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, Tổ tiên ta đã đón nhận, nắm bắt và vận dụng đạo phật một cách sáng tạo. Từ đó, Phật giáo đã lưu truyền đến các đời sau, thể hiện sự tài tình và độc đáo của bản sắc văn hoá Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ nét qua kiến trúc chùa, chiền trên khắp đất nước.

Các bậc tiền nhân ta từ lâu đã thấu suốt sự bao dung mà Đức Phật đã dâng hiến cho chúng sinh: Đó là sự Từ – Bi – Hỷ – Xả. Tinh thần này luôn được thể hiện ở các ngôi chùa Việt Nam. Cả Đất nước, hầu như nơi nào cũng có một vài ngôi chùa thờ Phật. Một là cội nguồn để thâu tóm cái muôn, và cái muôn thể hiện cái một. Hình tượng Phật được tạo tác, chùa chiền được xây dựng để thể hiện sự Từ Bi Hỷ Xả. Với quan niệm đó, các bậc tiền nhân đã xây dựng một hệ thống chùa chiền rất trang nghiêm bề thế và uy nghi. Cốt lõi của kiến trúc hay vị trí biểu đạt được sự ngưỡng mộ của chúng sinh và bao dung rộng mở của đạo Phật.

 

Trước khi xây dựng một ngôi chùa, một ngọn tháp, cha ông ta từ xa xưa đã rất quan tâm đến phong thủy. Các ngôi chùa thường được xây trên những thế đất “sơn kỳ thuỷ tú” (núi lạ, sông nước đẹp đẽ), là những vị trí đẹp, hài hoà giữa các yếu tố: Trời, Đất, Người. Tiếp theo là kiểu dáng thiết kế của ngôi chùa, ngọn tháp, tỷ lệ giữa chiều cao, rộng, dài, hình chữ gì sao cho phù hợp với kích thước của tỷ lệ vàng ( đo bằng thước Lỗ Ban).

Phật pháp đã đi sâu vào cõi lòng người Việt. Từng hoạ tiết trang trí ở các đình, chùa đa phần đều thể hiện tấm lòng cởi mở, vị tha và sự từ bi hỷ xả của Đức Phật: Các mảng mái, tường, cửa, cột, khoảng cách trong ngoài hợp lý, trông rất cách điệu, nhưng vẫn uy nghiêm. Đường nét họa tiết của tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng (Rồng, Lân, Rùa, Phượng hoàng) thể hiện vẻ nghiêm trang mà mềm mại, uy vũ mà bao dung. Cột thẳng thể hiện tính giác ngộ, đường nét uốn lượn của riềm châu viền mái mang đậm tính lan toả, thấm nhuần mà không xa hoa, bắt buộc. Độ nghiêng của mái hài hoà hợp lý không dốc như mái chùa Thái Lan hay Lào. Cấu trúc đền, chùa Việt Nam cũng đơn giản, khiêm nhường chứ không to lớn xa hoa như chùa Trung Quốc hay cầu kỳ nhiều tầng, đài, bệ như chùa Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các bậc tiền nhân xưa xây chùa luôn có tứ linh đắp vẽ, trấn giữ các mảng tường, trụ cột từ hông chùa cột hiên, hậu điện. Các đỉnh cột đắp Phượng vũ (Phượng múa) từ mỏ đến đuôi, hình dáng rất uyển chuyển. Ngói mũi được lợp xếp rất công phu, phần góc nhọn được gọi là “các” (đầu đao) được phô diễn rất khéo, không sắc nhọn. Mảng mái, nơi be bờ thường được đắp đậy rất cẩn thận, khoá chặt hai đầu của đòn nóc là hai đế hoặc đôi Lân rất oai dũng. Trên đỉnh nóc mái là đôi Rồng chầu mặt trời đang tỏa ánh hào quang.

 

Canh giữ cửa chùa là hai vị Tượng Hộ pháp dung nhan uy dũng, biểu hiện cho cái thiện và cái ác, không dùng lời mà vẫn răn dạy chúng sinh giác ngộ. Trong chùa, tượng các vị Phật và La Hán được xếp theo trật tự tôn nghiêm. Trước mặt tượng là hương án, nơi đặt bát hương và đặt đồ lễ. Nơi làm lễ bề thế, vuông vức thể hiện sự giáo hoá nhân gian của các Ngài rộng mở và bao la, không bó hẹp, không phân biệt đối xử. Những hàng cột trong chùa lớn tạo cảm giác vững tâm và tin tưởng cho người đi lễ chùa. Từ hoành phi câu đối, văn bia hay tên người cung tiến đều được tiền nhân ghi lại rất trân trọng. Thượng lương, đòn nóc được làm rất chắc chắn và đề ghi đục chạm rất công phu.

Trong khuôn viên của chùa thường trồng những cây muỗm, cây duối, nhưng đặc biệt hơn cả là cây đại, cây đa, si, gạo. Sắc hương của chùa chiền, lan toả hương bưởi, hương cau,dịu mát làm tâm hồn con người trở nên thanh thản, bỏ lại sau lưng những toan tính của đời thường.

Những ngôi chùa ở Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, thiên tai, địch hoạ song không vì thế mà mai một đi. Ngược lại, những ngôi chùa luôn được nhân dân tôn tạo và xây dựng tốt đẹp hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *